Văn hoá từ những điều nhỏ nhặt - Trung Roly Blog
Văn hoá từ những điều nhỏ nhặt

Tối hôm trước, thấy tôi còn cặm cụi cài lại PES, Giám đốc tới bên cạnh rủ tôi làm một trận. Tôi thấy bất ngờ và bạn hãy bỏ qua kết quả trận đấu ấy đi vì anh ấy là một người chẳng mấy khi đá PES, tôi thấy thật sự cảm động vì không phải lãnh đạo nào cũng cố gắng từng chút một như thế, không phải lãnh đạo nào cũng tìm cách đề hoà nhập với nhân viên như vậy.

Đam mê từ những trò chơi

Tuổi thơ của nhiều người gắn liền với những trò chơi từ thời thơ ấu. Với tôi, tôi làm quen với bóng đá Nhật Winning Eleven từ những năm trung học cho tới nay. Tính ra thì cũng phải gần 20 năm rồi. Và cũng giống như mọi người chơi AOE ở công ty, dù là trò gì thì cũng cần có cạ cùng chơi. Nếu chỉ chơi một mình thì chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Thế nên, vợ tôi, biết chuyện này, gặp mấy đứa bạn gái đều hỏi: “Chồng mày có đá PES không? Hôm nào giao lưu với chồng tao?” 


Sự hoà đồng và tập thể gắn kết

Nói đến môi trường công ty, điều quan trọng mà ai cũng mơ ước đấy là sự chan hoà, chia sẻ. Càng vào môi trường cạnh tranh, càng phải đấu đá nhau giành quyền lực thì tình cảm của mọi người càng mờ nhạt và khô khan. Tôi vì thế cực kỳ ác cảm với chuyện mặc quần âu, sơ mi đóng thùng, sáng sáng 7 giờ đi làm cơ quan nhà nước. Đến cơ quan lướt mạng một tí, 9, 10 giờ pha trà uống nước ố vàng cả cái chân máy nước nóng; ngồi bốc phét, tán gẫu cho hết giờ rồi mới về với những sở thích khác cùng bạn bè bên ngoài; hẹn nhau đi đá PES, đá bóng, đánh cầu lông tối mịt mới về nghe bố mẹ, vợ con lầm bầm rồi rạn nứt gia đình. Với tôi, chuyện đó là ác mộng, là thứ gì đấy cực kỳ kinh khủng. Tôi thà nghỉ việc để tìm một chỗ làm thoải mái còn hơn. Ít ra là để sống cho mình, rồi tôi mới hết lòng vì những đồng nghiệp xung quanh được.


Hy sinh sự bất tiện nho nhỏ vì tập thể

Thật đáng quý nếu công ty có những người nhiệt tình đứng ra tổ chức cuộc vui cho anh chị em. Họ chẳng được gì cả, thậm chí đôi khi phải bỏ tiền túi ra để mua cái này, sắm cái kia phục vụ nhu cầu sở thích của từng người trong nhóm. Họ có khi phải gạt bỏ những thời gian nghỉ trưa, thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, thói quen yêu thích từ lâu để trăn trở, nghĩ kế, “bày trò”. Tôi và người ngồi cạnh từng có thời gian đi làm về chung đường, câu chuyện của hai anh em đa phần xoay quanh chuyện, làm sao để giữ được anh em trong nhóm chơi lâu, chơi nhiệt tình, phát triển tình cảm và thực sự đoàn kết. Và tôi nghĩ rằng tôi thực sự trân trọng những nỗ lực ấy, nó không hề vô nghĩa kể cả khi mọi người không nhìn ra, bởi vì chúng tôi làm điều đó không chỉ cho mọi người mà còn cho bản thân mình. 


Những bài học đạo đức để trưởng thành

Tôi từng rất cay cú vì những trận thua. Hay tôi từng rất khó chịu vì có những đồng chí "chầy bửa" không chịu đá viện lí do này kia tới bỏ cả giải. Nhưng giống chuyện đánh nhau vỡ đầu mới nhận làm anh em, va chạm như thế thì mới hiểu nhau, thông cảm cho nhau khi gặp lại trong những công việc khác, tôi chợt nhận ra ý nghĩa to lớn của điều này bởi nó không còn đơn giản là trò chơi mà còn là sự giao tiếp giống như cái bắt tay hay cốc bia, điếu thuốc. Tôi hiểu rằng đôi khi để làm được điều gì đó cực kỳ đơn giản như tham gia một trò chơi thì ai đó cũng cần phải thực sự nỗ lực để cố gắng. Cố gắng vượt qua những trở ngại nhỏ bé như tâm lý chây ì, lười biếng, ngại khó tới chuyện hy sinh thời gian, công sức để phấn đấu đạt được một kết quả. Và hơn hết, cố gắng để vượt qua chính bản thân mình. Nhìn vào một khía cạnh khác của vấn đề, tôi học hỏi rất nhiều điều từ mọi người xung quanh khi họ chơi cùng tôi - hay kể cả khi họ không còn chơi được với tôi nữa. Tôi học hỏi từ chính những thất bại không đáng có của họ. Tôi biết ơn họ vì điều đấy.

 

Là văn hoá

Sáng sáng, trên tay mỗi người vào công ty là hai chiếc bánh mỳ nhỏ. Tôi đi làm 10 năm rồi và chưa thấy có một công ty nào có chuyện lạ lùng như thế cả. Tôi nghe kể lại Giám đốc công ty từng tâm sự: “Nhất quyết không để anh em đói!”

Tới trưa, lũ lượt mọi người xuống quán vào mâm. Nhất định phải là ăn mâm vì có như thế mới trò chuyện trao đổi được. 6 tháng đầu năm công ty đổi tới 5 quán ăn nhưng tất cả đều phải đáp ứng một điều kiện chung của công ty đấy là ngồi ăn mâm. Tôi cho đấy là điểm rất quan trọng, quan trọng còn hơn chuyện thức ăn hôm nay không ngon hay cơm hôm nay không được nóng.

Tối hôm trước, thấy tôi còn cặm cụi cài lại PES, Giám đốc tới bên cạnh rủ tôi làm một trận. Tôi thấy bất ngờ và bạn hãy bỏ qua kết quả trận đấu ấy đi vì anh ấy là một người chẳng mấy khi đá PES, tôi thấy thật sự cảm động vì không phải lãnh đạo nào cũng cố gắng từng chút một như thế, không phải lãnh đạo nào cũng tìm cách đề hoà nhập với nhân viên như vậy. 

Văn hoá của một công ty được xây dựng dựa trên tập thể, mà tập thể ấy là sự đóng góp công sức của từng người. Mỗi một nỗ lực nhỏ của từng người thôi cũng đủ tiếp sức cho những người bên cạnh. Và khi họ làm điều đó, tôi đánh giá họ là người có văn hoá. Tôi hạnh phúc khi sống trong một tập thể như thế và tôi sẽ luôn cố gắng hết sức để xây dựng và giữ gìn.